Lượt xem: 6760

Lê Duẩn - người lãnh đạo trọn đời vì Đảng, vì Dân

Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhân dân, người học trò lỗi lạc, tuyệt đối trung thành, kế tục xuất sắc lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta.

    Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 07/4/1907, tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước. Từ rất sớm, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1928, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Lê Duẩn (thứ nhất, bên trái) trong giờ nghỉ tại Hội nghị quân sự mở rộng ở Nam Bộ, năm 1949. Nguồn dangcongsan.vn

    Đồng chí Lê Duẩn là người giữ trọng trách Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với thời gian dài nhất trong lịch sử Đảng ta, gần 26 năm. Trước đó, đồng chí được Đảng và cách mạng tin tưởng giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (1931), Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (1937), Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946-1947), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng (1951-1959), đồng chí là người hoạt động ở khắp cả ba miền của đất nước.

    Đắm mình từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng, dù trong hoạt động đầy gian khổ, hiểm nguy, hay trong khắc nghiệt của chốn lao tù, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng hết lòng tận tụy vì Đảng, vì Dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ở đồng chí Lê Duẩn đức tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được đặt lên hàng đầu.

    Tháng 4 năm 1931, đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng và bị kết án 20 năm tù cấm cố, lần lượt bị giam tại các nhà tù Hoả Lò, Sơn La và Côn Đảo trong những năm từ 1931 đến 1936. Chế độ lao tù tàn bạo của kẻ thù đã không khuất phục được đồng chí, trái lại càng tôi luyện thêm ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng.

    Vừa ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí lại hăng say hoạt động cách mạng sôi nổi và quyết liệt trong cao trào vận động dân chủ 1936-1939. Bất chấp sự đe dọa, quản thúc của chính quyền thuộc địa, mặc dù sức khỏe trong những năm tháng bị đọa đày, nhưng đồng chí vẫn hoạt động tích cực ở nhiều địa phương của miền Trung để khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng.

    Năm 1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Năm 1939, được bổ sung vào Thường vụ Trung ương Đảng, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 11/1939), đồng chí cùng Trung ương quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân, phong kiến tay sai. Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ ưu tú khác của Đảng được đón về đất liền.

    Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn gắn bó với Nam Bộ thành đồng. Trên cương vị Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Bác Hồ giao phó.

    Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ năm 1954 đến năm 1957, theo sự phân công của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn ở lại Nam Bộ để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng. Vượt qua sự khủng bố ác liệt của Mỹ - Diệm, đồng chí đã kiên trì bám trụ để lãnh đạo đấu tranh giữ gìn, củng cố lực lượng cách mạng. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh và cách mạng, năm 1956, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng “Đề cương cách mạng miền Nam”, những bài viết, bài nói như: “Thư vào Nam”, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, “Tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta”, “Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”… Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo đó đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn cùng các thành viên trong Bộ Chính trị họp bàn và ra nghị quyết về "Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa" vào dịp Tết Mậu Thân 1968 (Hà Nội, ngày 28/12/1967). Nguồn dangcongsan.vn
    
    Giữa năm 1957, đồng chí được điều ra Hà Nội công tác. Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hoạch định những vấn đề chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

    Gần 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong hoàn cảnh đất nước trải qua thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

    Sau ngày đất nước giải phóng, đồng chí Lê Duẩn cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng tập trung nhiều công sức vào việc hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự sáng suốt của đồng chí nổi bật ở chỗ, trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp của cách mạng, đồng chí đã cũng Bộ Tham mưu của Đảng tìm câu trả lời và vạch hướng đi đúng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

    Đồng chí Lê Duẩn là một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Là một nhà lý luận, nhà tư tưởng lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và của Nhân dân ta, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Quốc Hùng

* Tài liệu tham khảo
1. Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
2. Lê Duẩn Tiểu sử thuộc Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
3. Lê Duẩn: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
4. Lê Duẩn một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 109
  • Hôm nay: 7035
  • Trong tuần: 77,742
  • Tất cả: 11,801,062